Tin tức

MỘT SỐ CÁCH ĐO ĐỘ CẬN THỊ CỦA MẮT PHỔ BIẾN

MỘT SỐ CÁCH ĐO ĐỘ CẬN THỊ CỦA MẮT PHỔ BIẾN

10:39   25/12/2020

Cận thị là tật khúc xạ rất phổ biến hiện nay. Dù đã, đang hay chưa mắc cận thị, bạn cũng cần tìm hiểu các cách tính độ cận thị để phần nào xác định được mức độ của cận thị. Từ đó giúp việc kiểm soát, chăm sóc và theo dõi được tốt hơn.

 

Dùng bảng đo độ cận

Một trong những phương pháp phổ biến nhất để đo độ cận thị của mắt đó chính là dùng bảng đo độ cận. Hiện có rất nhiều loại bảng đo thị lực tuỳ vào từng đối tượng sử dụng và cách tính độ cận thị. Một số loại thường dùng và hay thấy có thể kể đến là:

  • Bảng đo thị lực vòng tròn hở Landolt
  • Bảng đo thị lực chữ E của Armaignac
  • Bảng đo thị lực của Snellen với các chữ cái: L F D O I E
  • Bảng đo thị lực hình dùng cho trẻ em, hoặc người không biết chữ

Công thức tính độ cận thị được tính theo điểm cực cận và điểm cực viễn của mỗi người. Như vậy, dựa vào điểm cực viễn (điểm có thể nhìn thấy ảnh rõ ràng), ta sẽ có các trường hợp như sau:

  • Điểm cực viễn là 2m, tương đương với cận 1 độ.
  • Điểm cực viễn là 1m, tương đương cận 1,5 độ.
  • Còn nếu điểm cực viễn là 50cm thì tương ứng độ cận thị của mắt là 2 độ.

Từ cách đo như vậy, kỹ thuật viên hoặc bác sĩ chuyên môn sẽ đưa ra kết luận và hướng cách khắc phục cho tình trạng mắt hiện tại của bạn

Dùng máy kiểm tra mắt cận

Để kiểm tra mắt cận qua thiết bị, bạn sẽ được tiến hành qua hai bước là đo độ mắt cận bằng máy điện tử và đo mắt bằng lắp kính mẫu.

Bước 1: Đo mắt bằng máy điện tử. Máy đo sẽ chỉ ra được bạn có đang bị cận thị hay không.

Bước 2: Đo mắt bằng kính mẫu. Kỹ thuật viên chuyên môn hoặc bác sĩ nhãn khoa sẽ cho bạn đeo một chiếc kính mẫu,che 1 bên mắt và lần lượt đo mỗi mắt Nếu bạn nhìn rõ và thoải mái, không bị hoa mắt chóng mặt ngay cả khi đi lại thì đó chính là độ cận của bạn hiện tại. Ngược lại, nếu bạn nhìn không rõ hoặc chóng mặt, kỹ thuật viên/bác sĩ sẽ tiếp tục thay đổi tròng ở kính mẫu, thử lại cho đến khi bạn thoải mái thì thôi.

 

Tự đo cận thị tại nhà (tham khảo từ Bệnh viện Mắt Sài Gòn)

Bạn cũng có thể tự đo cận thị tại nhà, tuy nhiên bác sĩ không khuyến cáo phương thức này vì mang tính cảm quan cao và kết quả không chính xác. Nhưng nếu bạn vẫn muốn biết rõ mình đã bị cận hay chưa thì có thể thực hiện kiểm tra nhanh như sau:

Chuẩn bị

  • Bảng đo thị lực
  • 1 cây thước được chia đơn vị cm
  • 1 sợi cước hoặc chỉ trắng dài 105 đến 110 cm
  • 2 cây viết màu mực khác nhau
  • 1 bìa cứng in chữ cái, phông chữ Times New Roman, chọn cỡ chữ (size) 14, in đậm

Có 1 người hỗ trợ thực hiện cùng bạn.

Tiến hành đo độ cận

Bạn cần dùng 1 tay che mắt lại, tay còn lại cầm 1 đầu dây đặt dưới mắt cần đo ở vị trí ngang bằng với mũi, và cách mũi 1cm.

Trong 2 người thực hiện phép đo, 1 người dùng một tay căng dây, một tay cầm bìa giấy di chuyển từ sát mắt ra xa chầm chậm trên sợi dây để xác định điểm cực cận và cực viễn của mắt.

Khi kéo bìa giấy từ từ ra xa, yêu cầu người đối diện đọc chữ trên giấy, rồi xác định khoảng cách xa nhất mà người đó có thể nhìn thấy rõ. Dùng viết đánh dấu lại.

Thư giãn 3 phút mới thực hiện đo cho mắt còn lại. Cách thực hiện y như trên, chỉ cần đánh dấu bằng màu mực khác để phân biệt.

Công thức đo độ cận

Độ cận = 100/ khoảng cách (cm)

Ví dụ: Khoảng cách nhìn rõ là 40 cm, thì độ cận = 100/40 = 2.5 độ.

**Lưu ý, chỉ thực hiện phép đo này ở nơi có đủ độ sáng, tốt nhất là vào ban ngày.

 

Trên đây là các cách để đo cận thị phổ biến nhất hiện nay. Để đảm bảo kết quả kiểm tra thị lực chính xác nhất, bạn cần đến các bệnh viện hoặc cơ sở đo mắt uy tín có kỹ thuật viên chuyên môn cao hoặc bác sĩ nhãn khoa trực tiếp thực hiện. Đối với những bạn đã cận thị, bạn cần đi khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm soát thị lực tốt nhất và kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh ở mắt. Chúc đôi mắt của bạn ngày càng sáng khỏe!