Tin tức

DỊCH CORONA VÀ NHỮNG ‘CHUYÊN GIA’ GIEO RẮC VIRUS SỢ HÃI

DỊCH CORONA VÀ NHỮNG ‘CHUYÊN GIA’ GIEO RẮC VIRUS SỢ HÃI

11:07   05/02/2020

Mỗi lần dịch bệnh truyền nhiễm bộc phát là cơ hội cho vài người hay vài nhóm người sản xuất ra những thông tin gây sợ hãi trong công chúng và cùng lúc phê phán nhà chức trách.

 

Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư dịch tễ học

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn là giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame, Australia. Ông là người gốc Á châu duy nhất được bầu vào Viện hàn lâm Y học Australia và cũng là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia. Đây là bài viết riêng của ông cho Zing.vn.

 

 

Thực phẩm đang bày bán trong các siêu thị ở Australia nhiễm virus corona (2019-nCoV). Bill Gates và các tập đoàn dược tạo ra siêu vi khuẩn để bán thuốc. Mạng xã hội tiếng Việt lan truyền thông tin đã tìm ra liệu pháp điều trị bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV.

Tất cả những thông tin như thế đều là ngụy tạo, bị bác bỏ thẳng thừng. Tình trạng gây nhiễu thông tin này không chỉ gây hoang mang mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng.

Mỗi lần dịch bệnh truyền nhiễm bộc phát là cơ hội cho vài người hay vài nhóm người sản xuất ra những thông tin gây sợ hãi trong công chúng và cùng lúc phê phán nhà chức trách.

Tại sao cứ mỗi lần có dịch bệnh thì lại xuất hiện tình trạng nhiễu thông tin?

Tôi nghĩ đến những nguyên nhân liên quan đến sự tò mò của công chúng trước sự kém minh bạch của nhà chức trách, và sự xuất hiện của truyền thông xã hội trong khoa học hiện đại.

 

 

MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CHO TIN GIẢ

Dịch cúm Vũ Hán liên quan đến 2019-nCoV là một siêu vi khuẩn rất mới (có người cho là “lạ”). Vì là siêu vi khuẩn mới, có lẽ được biến hóa hay đột biến từ coronavirus trong hai trận dịch trước đây (SARS và MERS), nên giới khoa học chưa biết rõ về chúng.

Chưa ai biết rõ cơ chế gây bệnh, phương cách lây nhiễm, hay cấu trúc sinh học cũng như sự đa dạng của siêu vi khuẩn ra sao. Cho đến nay, giới khoa học cũng chưa có một thuốc đặc trị cho bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV. Có nhiều nhóm nghiên cứu vaccine, nhưng nếu thành công thì phải chờ đến 12 tháng mới triển khai đại trà.

Tất cả những sự thật đó nói lên một tình trạng bất định trong khoa học trước trận dịch mới. Môi trường kiến thức khoa học bất định là một mảnh đất màu mỡ cho các tin đồn và tin giả. Công chúng muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi căn bản: Tại sao dịch Vũ Hán xảy ra?

Có rất nhiều câu trả lời phi khoa học và phi chứng cứ.

 

 

Môi trường kiến thức khoa học bất định là một mảnh đất màu mỡ cho các tin đồn và tin giả.

 

 

Một trong số đó là tại thành phố Vũ Hán có phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về vũ khí sinh học, và nơi này để siêu khuẩn 2019-nCoV “xổng chuồng”. Tuy nhiên, thuyết âm mưu này đã bị giới khoa học Mỹ bác bỏ ngay từ lúc báo chí phương Tây nêu lên.

So với trận dịch SARS 17 năm trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã minh bạch hơn; nhưng trong thực tế thì vẫn minh bạch chưa đủ. Bây giờ chúng ta biết rằng dịch Vũ Hán đã xảy ra trước tháng 12; nhưng do cơ chế cứng nhắc trong việc kiểm soát thông tin, các báo cáo của giới chức Vũ Hán quá chậm.

Sự thật này là chất xúc tác quan cho cộng đồng mạng mất lòng tin, và họ tìm đến các mạng xã hội như là một nguồn tin thay thế.

Trên mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành một “chuyên gia” về dịch bệnh. Họ có khi chỉ trích lại thông tin từ báo chí và thêm vào đó những ý kiến cá nhân, suy đoán cảm tính.

Có những người thích “câu view” chịu khó sản xuất ra những clip về dịch bệnh bằng cách cắt dán từ nhiều nguồn phi khoa học, và họ trở nên nổi tiếng, thậm chí có thêm thu nhập từ YouTube.

Những người có ảnh hưởng trên không gian mạng càng có cơ hội để truyền bá những thông tin phi chính thống, phi khoa học. Mới tuần rồi, Facebook, Twitter và Google tuyên bố rằng họ sẽ kiểm tra thông tin về dịch bệnh lan truyền trên các trang do mình kiểm soát. Nhưng có lẽ các nền tảng này đã quá chậm.

Mạng xã hội đã làm thay đổi cách truyền tải thông tin khoa học, vốn trước đây là đặc lợi của giới khoa học và lưu truyền chủ yếu trên các tập san chuyên ngành. Những thông tin như thế đòi hỏi phải có chuyên gia bình duyệt trước khi công bố, và vì thế rất chậm.

 

 

Có những người thích “câu view” chịu khó sản xuất ra những clip về dịch bệnh bằng cách cắt dán từ nhiều nguồn phi khoa học, và họ trở nên nổi tiếng, thậm chí có thêm thu nhập từ YouTube.

 

 

Còn ngày nay, với sự xuất hiện mạng truyền thông xã hội, thông tin khoa học được lan truyền gần như lập tức và trực tuyến, ai cũng có thể truy tìm, và chẳng ai kiểm soát phẩm chất của thông tin. Tình trạng phi bình duyệt dẫn đến lẫn lộn giữa thật và giả, gây hoang mang trong công chúng.

Một tác nhân khác của tình trạng nhiễu loạn thông tin là báo chí phương Tây. Đa số báo chí phương Tây cũng chạy theo những tin tức giật gân với những từ ngữ vừa cảm tính vừa gây kích động ở cấp độ cá nhân.

Những tin tức kiểu như “dịch bệnh lần này có thể nguy hiểm hơn mấy lần trước”, nhưng đa số công chúng không đọc chữ "có thể" mà chỉ đọc chữ "nguy hiểm".

Đó là chưa kể những tựa đề rất cảm tính và sai lệch (misleading) so với nội dung bài báo. Việc chỉ trích dẫn hay dịch lại từ các báo phương Tây mà thiếu sàng lọc, thiếu khả năng khoa học cũng sẽ vô tình giúp lan truyền những thông tin phi khoa học.

 

MINH BẠCH THÔNG TIN - GIẢI PHÁP SỐNG CÒN

Hệ quả là chúng ta chứng kiến một nghịch lý: Càng có nhiều thông tin, con người cùng lúc càng đối diện nhiều thông tin nhiễu. Do đó, chúng ta không chỉ cần phải tỉnh táo để phân biệt tin giả và tin thật, mà còn biết cách lượng giá thông tin.

Dưới đây là vài cách để lượng giá thông tin và tránh bị kích động:

- Kiểm tra nguồn thông tin. Thông tin trên mạng rất nhiều, nhưng chỉ có một số nguồn là đáng tin cậy, như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện nghiên cứu, các trung tâm y khoa nổi tiếng, các tập san khoa học chính thống. Một cách tìm hiểu dễ dàng là đọc phần “About Us” (giới thiệu về website, cơ quan chủ quản, và sứ mệnh).

- Kiểm tra nội dung thông tin, kiểm tra chéo với các trang web khác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm. Chẳng hạn như thông tin cho rằng Singapore không cho hàng trăm khách từ Vũ Hán nhập cảnh, nhưng nguồn tin chính thức từ chính phủ Singapore khẳng định đó là tin giả tạo.

 

 

Rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất kỳ chứng cứ nào.

 

 

- Kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, kích động, cảm tính (như “địa ngục”). Ngôn ngữ của họ thường giả bộ khoa học, nhưng không có dữ liệu (và thay vào đó là trích dẫn từ những chuyên gia không rõ nguồn và cũng chẳng rõ văn cảnh). Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh nhiều khi sai về chính tả và ngữ pháp.

- Đọc nội dung chứ không chỉ đọc tựa đề. Rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất kỳ chứng cứ nào.

- Kiểm tra hình ảnh. Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm. Rất có thể siêu vi khuẩn mới xuất phát từ dơi, nhưng hình ảnh ai đó ăn súp dơi không thể giải thích được tại sao dịch bệnh xảy ra. Rất nhiều hình trên mạng xã hội không hề có chú thích nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin.

Sự lan truyền thông tin nhiễu trong trận dịch Vũ Hán lần này rất giống với tình trạng nhiễu thông tin trong trận dịch Ebola năm 2014. Kinh nghiệm của WHO cho thấy chỉ có sự minh bạch thông tin, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác mới hoá giải được vấn nạn trên.

Những cơn dịch cúm đến rồi đi trong 40 năm qua. Dịch Ebola năm 1976 ảnh hưởng đến 33.000 người và tỉ lệ tử vong là 40%. Năm 1998, dịch Nipah làm cho 500 người bị nhiễm, nhưng tỉ lệ tử vong lên đến 78%. Năm 2003, dịch SARS làm nhiễm 8.000 người, và 10-16% tử vong. Năm 2012 dịch MERS gây nhiễm cho khoảng 2.500 người, nhưng tỉ lệ tử vong khá cao (34%).

Năm nay cũng siêu vi khuẩn corona (cùng “dòng họ” với virus gây ra dịch SARS và MERS) gây tác động cho hơn 20.000 người (tính đến ngày 4/2/2020), và số liệu chưa đầy đủ cho thấy tỉ lệ tử vong từ 1,5 đến 3%.

 

 

Càng có nhiều thông tin, con người cùng lúc càng đối diện nhiều thông tin nhiễu.

 

 

Khả năng phòng chống dịch trên thế giới có nhiều tiến bộ, và chúng ta có lý do để kỳ vọng rằng dịch Vũ Hán rồi sẽ là quá khứ. Trước đây, dịch SARS hoành hành khoảng 12 tháng. Trong tình huống xấu nhất, các nhà khoa học dự báo rằng dịch Vũ Hán cũng sẽ còn với chúng ta 12 tháng và có thể ảnh hưởng đến hơn 100.000 người.

Một tình huống khác là virus mới sẽ hoà nhập vào các dòng virus gây cúm mùa và tồn tại với chúng ta. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh trong quá khứ, và chúng ta có lý do để tin rằng dịch Vũ Hán sẽ có tác động tối thiểu ở Việt Nam.

Nguồn : https://news.zing.vn/dich-corona-va-nhung-chuyen-gia-gieo-rac-virus-so-hai-post1043064.html