Tin tức

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT 5 CĂN BỆNH VỀ MẮT THƯỜNG GẶP NHẤT Ở TRẺ

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT 5 CĂN BỆNH VỀ MẮT THƯỜNG GẶP NHẤT Ở TRẺ

10:38   12/10/2020

Đôi mắt của trẻ em rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi tác động xấu. Nếu phụ huynh không để ý hoặc chưa có kiến thức đối với các bệnh về mắt của trẻ thì sẽ khiến con dễ gặp biến chứng, nhược thị, thậm chí là…mù vĩnh viễn. Vậy làm thế nào để nhận biết và phòng tránh các bệnh về mắt hay gặp ở trẻ? Tất cả sẽ được giải đáp trong nội dung dưới đây.

Dấu hiệu nhận biết bệnh ở mắt của trẻ

Mỗi bệnh ở mắt của trẻ em, trẻ sơ sinh sẽ có những dấu hiệu nhận biết đặc thù khác nhau. Tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng chung có thể nhận biết mắt ở trẻ đang gặp vấn đề như:

Sợ ánh sáng

Trẻ cảm thấy sợ hãi khi ra ngoài ánh sáng. Có thể kèm thêm nheo mắt hoặc chảy nước mắt khi ở trong ánh sáng một thời gian. Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến chứng tỏ mắt trẻ có vấn đề. Phụ huynh nên lưu tâm nhiều đến biểu hiện này.

Trẻ sợ ánh sáng là một trong những dấu hiệu phổ biến chứng tỏ trẻ đang gặp vấn đề ở mắt 

Ngứa mắt

Khi trẻ có dấu hiệu dụi mắt, kêu đau, ngứa thường xuyên, mắt có ghèn, ghèn kéo thành màng hoặc thành sợi thì có thể mắt của trẻ đang phản ứng với các vật lạ trong mắt, tác nhân từ môi trường như bụi, khói, lông thú cưng,…Lúc này, ba mẹ nên kiểm tra kỹ trong mắt trẻ có dị vật không. Nếu chưa tìm ra, hãy đưa trẻ đến ngay bác sĩ để được khám rõ hơn.

Khi bị ngứa, trẻ sẽ có thói quen dụi mạnh vào mắt gây tổn thương giác mạc. Điều này sẽ dẫn tới nhiều bệnh nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm kết mạc,…

Trẻ dụi mắt nhiều rất dễ tổn thương giác mạc

Nheo mắt, nhìn nghiêng

Khi trẻ nhỏ có dấu hiệu nheo mắt, nhất là khi nhìn tivi, truyện tranh, sách vở,…kết hợp nhìn nghiêng để thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Vì đó có thể là dấu hiệu một số tật khúc xạ thường gặp ở mắt như  cận thị, viễn thị, loạn thị hay nhược thị.

Nheo mắt, nhìn nghiêng là dấu hiệu của tật khúc xạ

 

Một số bệnh về mắt phổ biến ở trẻ em

Các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn hoặc nhược thị

Nguyên nhân khiến trẻ mắc các tật khúc xạ này sớm là do di truyền, hoặc môi trường sinh hoạt thiếu sáng mà phụ huynh không để ý. Biểu hiện của các tật này là trẻ thường xuyên nheo mắt khi cố gắng nhìn một vật gì đó, hay dịu mắt, nheo mắt, nhìn nghiêng, mắt dễ đau và nhức.

Với trường hợp này, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa về mắt để xác định rõ tật trẻ gặp phải cũng như nguyên nhân. Từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp để kiểm soát độ cận/độ viễn/độ loạn tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt với trẻ bị bẩm sinh, nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt để độ không nặng thêm. Đồng thời, phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn đến môi trường sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống của trẻ để tránh bị những tật khúc xạ không đáng có.

Trẻ nhỏ rất dễ mắc các tật khúc xạ

 

Viêm tuyến lệ, tắc tuyến lệ

Đây là căn bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện của bệnh này là những giọt nước mắt không thể thoát ra ngoài, ứ đọng trong mắt khiến đôi mắt trẻ luôn ngập nước như sắp khóc.

Với trẻ sơ sinh, bé hay chảy nước mắt hoặc có nhiều gỉ mắt, đặc biệt khi vừa ngủ dậy, mắt có nhiều gỉ vàng dính quanh mi thì có thể là dấu hiệu của tắc tuyến lệ.

Trẻ sơ sinh rất dễ bị tắc tuyến lệ

Khi thấy mắt trẻ thường xuyên ướt thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xác định bệnh và các phương hướng điều trị phù hợp.

Viêm kết mạc do nhiễm khuẩn

Bệnh này thường gặp ở trẻ mới lọt lòng do nhiễm vi khuẩn từ người mẹ. Dấu hiệu nhận biết bệnh này à trẻ thường xuyên chảy nước mắt. Quan sát kỹ trong lòng mắt thấy đỏ, có vảy màu trắng, vàng hoặc xanh (dấu hiệu của nhiễm khuẩn). Cho nên, khi trẻ mới sinh ra, các bà mẹ hãy quan sát kỹ những thay đổi bất thường ở con mình để kịp thời phát hiện sớm bệnh.

Lác, lé mắt

Hàng năm sẽ có 4% trẻ em sinh ra bị lác, lé mắt. Biểu hiện rõ nhất của bệnh này là mắt trẻ sẽ nhìn theo 2 hướng khác nhau. Lúc này, não sẽ xóa bỏ hình ảnh của mắt lác, không cho mắt này nhìn, từ đó gây nhược thị khiến trẻ không thể nhìn đồng thời 2 mắt hoặc mất thị giác ở 2 mắt.

Bệnh lác, lé mắt không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn sẽ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cuộc sống. Đặc biệt, trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên bị lác, lé mắt được coi là nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức. Vì vậy, hãy đưa trẻ đi khám sớm để có thể rút ngắn thời gian điều trị, mau phục hồi thị giác ở 2 mắt.

Trẻ bị lác, lé mắt cần được đi điều trị sớm

Sụp mí

Có khoảng 25% trẻ bị nhược thị là bị sụp mí bẩm sinh. Trẻ bị sụp mí có thể nhận biết dễ dàng bằng mắt thường bởi nếp mi sẽ sụp xuống mắt, nếp mí không rõ ràng, mi trên rất ít cử động. Trẻ thường xuyên phải nhăn trán hay ngửa cổ ra sau để nhìn rõ hơn

Để khắc phục tình trạng này, phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để khắc phục tình trạng này. Phụ huynh nên lưu ý để sớm phát hiện bệnh sụp mi bẩm sinh, tránh để nặng khiến trẻ bị nhược thị.

Sụp mí ở trẻ em

Bảo vệ và chăm sóc mắt của trẻ

Với trẻ em, các bệnh về mắt có thể không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ khiến trẻ tự ti, mặc cảm và e ngại trước các hoạt động cuộc sống. Từ đó trẻ sẽ có biểu hiện thu mình và khiến não chậm phát triển. Vì vậy, dù là bệnh hay chưa bị bệnh thì phụ huynh cũng nên biết các cách chăm sóc mắt cơ bản để đôi mắt con được sáng khỏe.

Vệ sinh mắt thường xuyên theo sự hướng dẫn của bác sĩ

Đôi mắt của trẻ rất dễ nhiễm khuẩn dưới tác động xấu từ môi trường (khói, bụi, xăng, dị vật,…). Vì vậy, cha mẹ nên làm sạch mắt trẻ thường xuyên bằng các cách như tra thuốc vệ sinh mắt (có sự hướng dẫn của bác sĩ), lau mắt bằng khăn sạch (dành riêng cho mắt),…Việc vệ sinh này sẽ giúp mắt bé loại bỏ được vi khuẩn, virus, giảm thiểu khả năng mắc các bệnh dị ứng mắt, nhiễm trùng,…

Chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho mắt

Ngoài việc bảo vệ khách quan, phụ huynh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng của trẻ giàu vitamin A – loại vitamin tốt cho mắt. Vitamin A có trong gan, cá, tôm, trứng, các loại củ quả màu đỏ, các loại rau màu xanh thẫm,…Ngoài ra, phụ huynh có thể bổ sung thêm cho trẻ vitamin E để củng cố vỏ nhãn cầu, phòng ngừa các tật khúc xạ ở mắt, đặc biệt là cận thị.

Cung cấp cho trẻ những thực phẩm bổ mắt

Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần

Đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường ở mắt. Đặc biệt các bệnh khó nhận biết nguyên nhân và không có triệu chứng rõ rệt.

Đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần

Trên đây là những dấu hiệu và một số bệnh thường gặp ở mắt của trẻ em. Hy vọng phụ huynh sẽ nắm rõ để có thể bảo vệ đôi mắt đẹp của trẻ luôn sáng khỏe, rạng ngời.